
Tác phong tiếp dân theo luật tiếp công dân được quy định như thế nào?
Khái niệm tiếp công dân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013, Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc các cơ quan Nhà nước tại Điều 4 của Luật đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.
Từ việc tìm hiểu khái niệm và mục đích của việc tiếp công dân mà mỗi cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân phải ý thức rõ về việc mình là ai? Mục đích của mình đến đây là gì? Từ đó, người cán bộ tạo cho mình tâm thế chủ động hơn trong cuộc tiếp xúc, giúp cuộc gặp trở nên dễ dàng hơn và công việc cũng được giải quyết ổn thỏa.
Tác phong cần có của một người cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân
Luật tiếp công dân không quy định cụ thể về tác phong của cán bộ mà chỉ quy định trách nhiệm của cán bộ tại Điều 8: Khi tiếp công dân, người tiếp công dân phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có đeo thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định; Có thái độ đứng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe những khiếu nại, phản ánh của công dân.
Một buổi tiếp công dân tại Quận 2 – TP.HCM
Luật chỉ yêu cầu như vậy, nhưng khi tiếp dân, điều trước tiên cần làm là tạo ra thiện cảm, sự gần gũi để họ dễ bộc bạch những ý kiến, bức xúc và những điều vướng bận của mình. Ví như khi đi gặp dân nghèo đang có vướng mắc về tranh chấp đất đai, nhà cửa, cần giải quyết nhu cầu bồi thường mà lại mặc đồ hiệu, đi xe “xịn” thì rõ ràng, khoảng cách giữa hai bên ban đầu là rất lớn, chưa nói gì đến thái độ nhưng có thể nói người đó khó có thể nào lấy được thiện cảm của người dân. Tâm lý chung người dân thường thích những điều giản dị, gần gũi hơn.
Những cuộc tiếp công dân thường rất nhạy cảm, ấn tượng ban đầu thường dễ chi phối đến những đánh giá sau đó. Cho nên, việc không gây thiện cảm đối với người dân dễ dẫn đến họ khó kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình sau đó, làm không khí của buổi gặp gỡ trở nên căng thẳng. Một bộ đồ hiệu, một chiếc xe sang, một món đồ đắc tiền không làm cho người dân thêm nể trọng bạn, gần gũi với bạn mà chỉ làm cho họ cảm thấy xa cách, khó mở lòng hơn mà thôi.
Ngoài ra, để buổi tiếp công dân được diễn ra thuận lợi, tốt đẹp, ngoài tác phong ra thì người cán bộ phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe những khiếu nại, phản ánh của công dân. Chỉ có sự gần gũi, lắng nghe, đi sâu đi sát vào lòng dân để hiểu được lòng dân, ý dân muốn nói là gì thì mới truyền đạt cho người có thẩm quyền cũng như bản thân có thể tìm ra những cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề. Bởi suy cho cùng, cán bộ là đầy tớ của dân, mọi công việc đều phụng sự cho lợi ích của nhân dân.
Xem thêm các bài viết khác của chúng tôi tại: chuyentuvanphapluat.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét