Đơn tố giác hình sự thì nộp ở đâu là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm cần tố giác. Về nguyên tắc, thẩm quyền giải quyết đơn tố giác sẽ phụ thuộc theo vị trí địa lý và theo phân cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an. Như vậy, để tránh mất thời gian thì người tố giác cần trình báo công an có thẩm quyền giải quyết để được xử lý hình sự kịp thời. Sau đây Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng sẽ cung cấp nội dung về vấn đề trên.
Trường hợp nào nên nộp đơn tố giác?
Theo quy định tại Điều 144 bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
- Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
- Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
- Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Như vậy, với các quy định trên thì ngay khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì người phát hiện cần trình báo với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, trước khi trình báo cơ quan có thẩm quyền thì người trình báo cần tìm hiểu kỹ sự việc, thu thập bằng chứng. Vì trường hợp cố ý tố giác, báo tin sai sự thật về tội phạm thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Các trường hợp nên nộp đơn tố giác?
Tố giác tội phạm ở đâu?
Thẩm quyền nhận đơn theo vị trí địa lý
Theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì sẽ có 02 cấp Cơ quan Cảnh sát Điều tra là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện. Và theo quy định tại Điều 4 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 về thẩm quyền điều tra theo vị trí địa lý như sau: Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Như vậy, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cần trình báo cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an nơi thực hiện hành vi phạm tội, trường hợp tội phạm thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì cần phải trình báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi người phạm tội sinh sống.
Thẩm quyền nhận đơn theo phân cấp hành chính
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 163, Điều 268 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì thẩm quyền của cơ quan cảnh sát điều tra được phân cấp như sau: Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp huyện có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra như sau:
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
- Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;
- Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
- Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
- Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
- Những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức.
Thẩm quyền của cơ quan Cảnh sát điều tra
Mẫu đơn tố giác tội phạm
>>> Tải về: Mẫu đơn tố giác tội phạm
Quy trình xử lý đơn tố giác
Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
Như vậy, để tránh mất thời gian trong quá trình tố giác tội phạm thì quý khách cần nắm rõ tội phạm cần tố giác thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan nào. Bên cạnh đó, quý khách cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về tội phạm để tránh trình báo sai sự thật về tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền. Nếu Quý khách hàng có khó khăn hoặc thắc mắc gì về vấn đề trên, hãy vui lòng liên hệ đến hotline 0908.748.368 hoặc email chuyentuvanluat@gmail.com để Ths - Luật sư Phan Mạnh Thăng tư vấn kỹ hơn. Xin cảm ơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét