Chuyển đến nội dung chính

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến Doanh nghiệp xã hội và công tác từ thiện

        Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là mô hình còn nhiều mới mẻ, gắn với những đặc trưng riêng mang lại nhiều giá trị lớn lao cho cộng đồng. Với mục tiêu hàng đầu hướng đến lợi ích xã hội, trách nhiệm từ thiện của loại hình doanh nghiệp này là một vấn đề đáng quan tâm. Trước những sự thay đổi và biến chuyển của xã hội, nền kinh tế thị trường, khung pháp lý dành cho DNXH ngày càng hoàn thiện và từng bước vững vàng, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Bài viết phân tích một số vấn đề pháp lý về DNXH, bên cạnh đó là trách nhiệm từ thiện đối với loại hình doanh nghiệp này.

Pháp lý về doanh nghiệp xã hội

I. Khái quát chung về doanh nghiệp xã hội

1. Khái niệm

        DNXH là một khái niệm mới mẻ xuất hiện trong khoảng thời gian 10 năm gần đây tại Việt Nam, tuy nhiên khái niệm này đã xuất hiện trên thế giới từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.
        Tại Anh, trong Chiến lược phát triển DNXH năm 2002, Chính phủ Anh cho rằng:
“DNXH là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.” [1]
        Tại Việt Nam, Tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng – CSIP của Việt Nam cũng đưa ra quan điểm: “DNXH là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. DNXH lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội/ môi trường và mục tiêu kinh tế.”[2]
        Nhìn chung khái niệm này rất đa dạng, phụ thuộc vào trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Song, các khái niệm đều có những điểm chung nhất định, thể hiện được bản chất kinh tế và xã hội của DNXH, cụ thể ở một vài đặc điểm sau:
Thứ nhất, DNXH gắn liền với hoạt động kinh doanh, lấy các sáng kiến kinh doanh làm cơ sở vững chắc để hoạt động một cách tự chủ, độc lập. Đây là điểm khác biệt và cũng là điểm lợi thế so với các tổ chức chỉ thuần về hoạt động xã hội hay từ thiện.
Thứ hai, DNXH lấy lợi ích xã hội là kim chỉ nam phát triển hàng đầu thay vì tìm kiếm lợi nhuận cho các thành viên, cổ đông hay chủ sở hữu công ty. Mục tiêu xã hội của doanh nghiệp được tuyên bố minh bạch, công khai và được xã hội thừa nhận các giải pháp nhằm phục vụ cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội.
Thứ ba, DNXH sử dụng phần lớn lợi nhuận từ việc kinh doanh để tái phân bổ cho các hoạt động của tổ chức cộng đồng và mục tiêu xã hội. Đặc điểm này thể hiện rõ nét phương hướng mục tiêu hoạt động vì xã hội của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp thông thường khác.

2. Lịch sử hình thành và phát triển Doanh nghiệp xã hội

2.1. Trên thế giới

        DNXH xuất hiện lần đầu tiên ở nước Anh vào những năm cuối của thế kỷ 17. Theo nghiên cứu của MacDonald M. & Howarth C. (2008), DNXH đầu tiên xuất hiện tại Luân Đôn vào năm 1665. Ngoài ra, tại Vương quốc Anh năm 2005 cũng đã ra đời loại hình DNXH đặc trưng là Công ty Ích lợi cộng đồng (CIC). Sau đó, năm 2008, Diễn đàn Doanh nghiệp xã hội Thế giới (Social Enterprise World Forum, SEWF) ra đời và họp lần đầu tại Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh).[3]
        Tại Hàn Quốc, chính phủ đã ban hành Luật phát triển Doanh nghiệp xã hội vào năm 2007, đồng thời thiết lập Ủy ban hỗ trợ DNXH trực thuộc Bộ Lao động. Nhờ đó các hoạt động DNXH tại Hàn Quốc được định hình rõ nét hơn và tiếp tục có những xu hướng thay đổi tích cực.[4]
        Tại Thái Lan, năm 2009 Chính phủ nước này cũng đã xúc tiến mạnh mẽ nhiều chương trình hành động để thúc đẩy phát triển DNXH. Trong đó phải kể đến việc thành lập Ủy ban Khuyến khích DNXH trực thuộc Văn phòng Thủ tướng nhằm xây dựng chính sách chiến lược và chương trình khuyến khích các DNXH, chỉ đạo thực hiện, lập dự thảo ngân sách cho các vấn đề hành chính có liên quan.[5]

2.2. Tại Việt Nam

        Trên thực tiễn, mô hình DNXH đã bắt đầu hình thành từ những năm 1990, tuy nhiên tại thời điểm này chưa có một địa vị pháp lý nào cho DNXH tại Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ở Việt Nam, DNXH đã tồn tại từ lâu và với số lượng không hề nhỏ, nhưng mãi đến năm 2014, Luật Doanh nghiệp mới thể chế hóa các khái niệm này và đưa vào trong Luật. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng DNXH được đăng ký theo Luật Doanh nghiệp mới ở mức độ khiêm tốn nguyên do một phần là khái niệm DNXH còn khá mới mẻ ở Việt Nam [6]. Một số doanh nghiệp mang bản chất DNXH có thể kể đến như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại TP. Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này các DNXH chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô hạn chế.[7]
        Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, dòng vốn tài trợ có xu hướng giảm, không ít tổ chức NGO đã chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội để tìm hướng đi mới cho mình. [8]
        Năm 2012, Việt Nam có khoảng hơn 200 DNXH theo sự nghiên cứu của CIEM. Với sự phát triển nhanh chóng, yêu cầu về hành lang pháp lý ngày càng thôi thúc đặt ra để điều chỉnh trực tiếp các DNXH này tại Việt Nam.

II. Chế độ pháp lý đối với Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

        Tại Việt Nam, năm 2014 DNXH lần đầu được công nhận địa vị pháp lý, thể hiện qua việc được luật hoá lần đầu tiên tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, tại Điều 10 Luật này quy định, DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Và hiện nay, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật số: 59/2020/QH14 do Quốc Hội ban hành ngày 17/6/2020) đã có hiệu lực nhưng vấn đề tiêu chí của DNXH này vẫn được giữ lại, không thay đổi.
        Ngoài Luật Doanh nghiệp, khung pháp lý điều chỉnh DNXH tại Việt Nam còn bao gồm các văn bản dưới Luật như:
– Nghị định số 47/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/4/2021, quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021, quy định chi tiết về đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 17/5/2016 quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký DNXH.
        Các văn bản trên điều chỉnh các nội dung chính sau đây:
(1) Các quy định về đặc trưng pháp lý của DNXH nhằm phân biệt với các doanh nghiệp khác;
(2) Các quy định về thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động của DNXH;
(3) Các quy định về quyền và nghĩa vụ của DNXH;
(4) Các quy định về thủ tục hành chính của DNXH.
        Nhìn chung, chế độ pháp lý đối với DNXH hiện tại đã được điều chỉnh ở mức độ cơ bản và ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh những quy định riêng điều chỉnh trực tiếp DNXH, với bản chất là một doanh nghiệp nói chung, DNXH vẫn phải chịu sự điều chỉnh theo pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan như những doanh nghiệp thông thường khác.
Thành lập doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

III. Doanh nghiệp xã hội với trách nhiệm từ thiện

1. Quy định pháp luật về hoạt động từ thiện

        Hoạt động từ thiện của cá nhân hay tổ chức luôn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta. Đây là một điều đáng được khuyến khích, hoan nghênh. Dưới góc độ pháp lý, hoạt động từ thiện có thể hiểu đơn giản là việc tặng cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Khung pháp lý về hoạt động từ thiện vẫn đang ngày một hoàn thiện nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng, xã hội
        Tại Việt Nam, việc điều chỉnh tổ chức, hoạt động của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện còn được quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ. Ngoài ra, Nghị định 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021, vừa có hiệu lực từ ngày 11/12/202, đã thay thế cho Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ đã có những điều chỉnh tốt hơn các vấn đề về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

2. Quyền vận động quyên góp từ thiện của doanh nghiệp xã hội

2.1. Doanh nghiệp xã hội có được vận động quyên góp từ thiện hay không?

        Căn cứ điểm b, c và d khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020, DNXH được huy động, nhận tài trợ để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp, duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 10 Luật này trong suốt quá trình hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
        Bên cạnh đó, giải quyết một số bất cập ở Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP được ban hành đã quy định rõ ràng hơn về quyền được kêu gọi từ thiện của doanh nghiệp nói chung, trong đó bao gồm cả DNXH nói riêng tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này. Theo đó, việc vận động và kêu gọi từ thiện của các doanh nghiệp được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý nhất định, thay vì không được tự mình kêu gọi từ thiện như trước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung cũng như DNXH thực hiện sứ mệnh của mình, đồng thời xóa bỏ các rào cản pháp lý khi chuyển đổi từ quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội. Mặt khác, các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này cũng có sự đồng nhất hơn.

2.2. Doanh nghiệp xã hội quyên góp từ thiện từ những nguồn nào?

        Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP cho phép DNXH kêu gọi, tiếp nhận tài trợ từ các cá nhân, tổ chức đóng góp tự nguyện. Đây là nguồn tài trợ được xác định cho từng hoạt động từ thiện khác nhau và phân biệt với nguồn tài trợ, viện trợ theo quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020.
       Cụ thể, Điều 4 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, DNXH được tiếp nhận viện trợ, tài trợ từ các cơ quan sau:
Thứ nhất, viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Thứ hai, tài trợ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam bằng hình thức tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật.
Như vậy, ngoài nguồn tài trợ từ thiện do doanh nghiệp vận động, kêu gọi đóng góp tự nguyện từ cá nhân, tổ chức thì các nguồn viện trợ, tài trợ khác với mục tiêu giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động cũng góp phần không nhỏ đối với hoạt động từ thiện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, cộng đồng.

2.3. Bản chất quan hệ dân sự giữa tổ chức nhận quyên góp và người quyên góp

        Về cơ bản, bản chất quan hệ giữa tổ chức nhận quyên góp và người quyên góp được xác định là quan hệ dân sự. Trong trường hợp này tổ chức nhận quyên góp là đại diện theo ủy quyền của người quyên góp (người ủy quyền) có trách nhiệm chuyển giao tài sản của bên quyên góp cho sang cho bên được quyên góp theo thỏa thuận, cam kết trước đó.
        Khi người quyên góp nhờ tổ chức nhận quyên góp – cũng là trung gian làm từ thiện thì họ mong muốn tài sản của mình tới người đang cần trợ giúp. Nếu tổ chức nhận quyên góp chưa chuyển tài sản trong một thời gian dài và cũng không thông báo cho người quyên góp biết thì đã không thực hiện đúng ý nguyện của người quyên góp, vi phạm thỏa thuận với họ.
        Nếu tổ chức nhận quyên góp giữ tài sản này vì mục đích tư lợi cá nhân, không chuyển theo cam kết để chiếm đoạt sẽ vi phạm khoản 2 và/hoặc khoản 3 Điều 5 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Thậm chí, nếu có dấu hiệu hình sự của hành vi lạm dụng tín nhiệm đoạt tài sản thì cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích, hành vi để có căn cứ xử lý theo quy định.
Doanh nghiệp xã hội quyên góp từ thiện

2.4. Trách nhiệm từ thiện của doanh nghiệp xã hội

        Hiện nay, trách nhiệm từ thiện không được quy định một cách trực tiếp là trách nhiệm của DNXH. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, DNXH hoạt động với bản chất là giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích công cộng. Chính vì thế, để thực hiện sứ mệnh của mình, phương hướng hoạt động của DNXH gắn liền với trách nhiệm từ thiện, cụ thể ở một số nội dung sau:
– Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt (người khuyết tật, người có HIV/AIDS…);
– Tạo cơ hội hòa nhập xã hội cho các cá nhân và cộng đồng yếu thế thông qua các chương trình đào tạo phù hợp, tạo cơ hội việc làm;
– Đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội chưa được đầu tư rộng rãi như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, tái chế…

2.5. Vấn đề tài chính của các loại doanh nghiệp xã hội

Thứ nhất, đối với DNXH phi lợi nhuận.
        Các DNXH phi lợi nhuận thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện của người khuyết tật, người chung sống với HIV/AIDS, phụ nữ bị bạo hành…Họ đưa ra những giải pháp có tính cạnh tranh cao để giải quyết những nhu cầu xã hội cụ thể, do đó có thể thu hút nguồn vốn đầu tư của những cá nhân và tổ chức đầu tư vì tác động xã hội, từ đó huy động nguồn lực từ cộng đồng để cải thiện đời sống cho những cộng động chịu thiệt thòi.
Thứ hai, đối với DNXH không vì lợi nhuận.
        Đa số các doanh nghiệp loại này do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng, lấy kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội. Lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp. Việc đưa ra các giải pháp sáng tạo và áp dụng đòn bẩy của thị trường để giải quyết vấn đề xã hội và các thách thức trong lĩnh vực môi trường là điểm khác biệt so với các tổ chức xã hội từ thiện hay các doanh nghiệp thông thường. Phần lớn các DNXH thuộc loại này có thể tự vững bằng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ của họ.
Thứ ba, doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận
        Khác với mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận và không vì lợi nhuận, các DNXH ở loại hình thứ ba này ngay từ ban đầu đã nhìn thấy cơ hội và chủ trương xây dựng mình trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận với sứ mệnh tạo động lực cho những biến đổi mạnh mẽ trong xã hội hoặc bảo vệ môi trường. Mặc dù có tạo ra lợi nhuận và cổ đông được chia lợi tức, nhưng các DNXH này không bị chi phối bởi lợi nhuận.

IV. Những bất cập và rào cản trong chế định pháp lý về doanh nghiệp xã hội khi kêu gọi và nhận quyên góp từ thiện

1. Việc kêu gọi và nhận quyên góp từ thiện có thể bị thay đổi thành việc huy động và nhận tài trợ cho doanh nghiệp xã hội

        Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 4 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP thì DNXH có quyền được huy động, nhận tài trợ để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, việc kêu gọi và nhận quyên góp từ thiện của các DNXH có thể bị lợi dụng để bù vào các khoản huy động, nhận tài trợ của DNXH. Dù mục tiêu chung của các hoạt động vẫn là mục tiêu cộng đồng, nhưng khi các khoản nhận quyên góp từ thiện được chuyển vào khoản tài trợ cho doanh nghiệp có thể dẫn đến sự sai lệch về mục đích của người quyên góp từ thiện.
        Bên cạnh đó, việc hạn chế trong hoạt động kê khai của khoản nhận từ thiện có thể dẫn đến chủ thể được DNXH kêu gọi quyên góp khi tiến hành quyên góp từ thiện không thể biết rõ khoản quyên góp đã thực hiện đúng mục đích mà doanh nghiệp đã cam kết hay không. DNXH khi có đầy đủ thông tin vẫn có thể lợi dụng vào các lỗ hổng pháp lý, thủ tục để thay đổi các khoản nhận quyên góp từ thiện thành các khoản tài trợ, hỗ trợ doanh nghiệp để tiến hành báo cáo cơ quan định kỳ hàng năm có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Rào cản pháp lý kêu gọi từ thiện của doanh nghiệp xã hội

2. Việc kêu gọi từ thiện của doanh nghiệp có bị thu hẹp trong mục tiêu đã đăng ký hay không?

        Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì DNXH cũng phải tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp như những doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các điều kiện khác như: (1) mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; (2) sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
        Những điều kiện này được DNXH cam kết trong các Biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Thông tư số 04/2012/TT – BKHĐT. Theo đó, tại Biểu mẫu 01 Cam kết thực hiện Mục tiêu xã hội, môi trường yêu cầu DNXH miêu tả các vấn đề bất cập về xã hội, môi trường mà doanh nghiệp mong muốn giải quyết thông qua các hoạt động kinh doanh, đồng nghĩa doanh nghiệp phải cụ thể hóa được mục tiêu xã hội, môi trường của mình trong một số đối tượng và không gian nhất định. Doanh nghiệp sử dụng nguồn lực nội tại và các khoản hỗ trợ, tài trợ để theo đuổi mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp đã đăng ký như là nghĩa vụ chính yếu của mình.
Như vậy, liệu việc kêu gọi quyên góp và nhận quyên góp từ thiện từ những cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp để phục vụ cho mục đích xã hội khác với mục đích ban đầu mà doanh nghiệp đăng ký có hạn chế việc từ thiện đối với những vấn đề mang tính cấp bách? Có vi phạm và nghĩa vụ duy trì mục tiêu hoạt động tại điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020 hay không?

3. Hoạt động kêu gọi từ thiện của DNXH không được phân biệt với các hoạt động CSR của các doanh nghiệp khác

        Với những mục tiêu xã hội, môi trường là giá trị cốt lõi và là lý do căn bản đề tồn tại thì DNXH khác với những trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khác (CSR). Với bốn tầng trách nhiệm bao gồm kinh tế, pháp lý, đạo đức, từ thiện được sắp xếp từ dưới lên trên thì trách nhiệm từ thiện được xếp cao nhất và không bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Việc kêu gọi từ thiện của các doanh nghiệp thông thường được xếp vào loại trách nhiệm này. Vậy hoạt động kêu gọi từ thiện của DNXH sẽ được xếp vào loại trách nhiệm gì đối với cộng đồng khi mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp vẫn luôn hướng đến xã hội, môi trường? Và với mục tiêu của mình, doanh nghiệp có buộc phải tiến hành các hoạt động kêu gọi từ thiện hay không?
        Việc thiếu đi các quy định về hoạt động kêu gọi từ thiện của các loại hình doanh nghiệp có thể gây ra một số bất lợi và hạn chế cho DNXH kêu gọi từ thiện khi tồn tại những quan điểm về việc kêu gọi từ thiện là nghĩa vụ chính của DNXH, DNXH luôn dễ dàng tiếp cận những khoản hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động kêu gọi từ thiện,…

VI. Kiến nghị hoàn thiện

(1) Hoàn thiện và bổ sung các chế định pháp luật về hoạt động kêu gọi, vận động, đóng góp, tiếp nhận các khoản tiền, hàng từ thiện của doanh nghiệp nói chung và DNXH nói riêng phù hợp với việc áp dụng vào thực tiễn hiện nay;
(2) Cần có sự phân định rõ hoạt động kêu gọi và nhận quyên góp từ thiện với nhận viện trợ, tài trợ cho DNXH. Theo đó, nguồn kinh phí từ việc nhận viện trợ, tài trợ có thể sử dụng đối với hoạt động từ thiện như một mục tiêu vì cộng đồng – cũng chính là mục tiêu duy trì hoạt động doanh nghiệp. Ngược lại, nguồn kinh phí từ việc vận động, kêu gọi từ thiện cần được sử dụng đúng mục đích cho từng hoạt động từ thiện theo đúng ý chí của cá nhân, tổ chức quyên góp.

Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Luật Doanh nghiệp năm 2014.
3. Luật Doanh nghiệp năm 2020.
4. Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ  về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
5. Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ hội, quỹ từ thiện.
6. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
7. Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp.
8. Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ  về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
9. Thông tư số 04/2016/TT-BKHĐT ngày 17/5/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp xã hội theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Doanh nghiệp.

Chú thích
[1] Nguyễn. Đình Cung, Lưu. Minh Đức, Phạm Kiều Oanh, Trần Thị Hồng Gấm (2012), ‘Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: khái niệm, bối cảnh và chính sách’, CSIP.
[2] Xem chú thích 1.
[3] Xem thêm tại: https://catba.net.vn/2017/10/23/tong-quan-ve-doanh-nghiep-xa-hoi-qui-dinh-tai-viet-nam-va-tiem-nang-ap-wdungj-tai-khu-dtsq-cat-ba/
[4] Xem chú thích 1.
[5] Xem chú thích 1.
[6] Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu: “Doanh nghiệp Xã hội cộng đồng: thực trạng và giải pháp” năm 2019.
[7] Xem chú thích 1.
[8] Xem chú thích 1.

Nguồn: https://phapluatdansu.edu.vn/2021/12/16/14/47/mot-so-van-de-php-l-lin-quan-den-doanh-nghiep-x-hoi-v-cng-tc-tu-thien/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xác định quan hệ trong tranh chấp đất đai

          Trong quá trình tham gia quan hệ pháp luật đất đai, việc bất đồng quan điểm, mâu thuẫn, xung đột ý kiến là điều khó tránh khỏi. Khi xảy ra mâu thuẫn về mặt lợi ích, xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai sẽ được gọi là tranh chấp đất đai. Quan hệ tranh chấp đất đai I. Những vấn đề lý luận liên quan đến tranh chấp đất đai 1. Khái niệm tranh chấp đất đai         Đất đai là loại tài sản đặc biệt, là tài nguyên của quốc gia được nhà nước giao cho người dân để sử dụng, quản lý. Đất đai không thuộc sở hữu của các bên tranh chấp mà thuộc sở hữu toàn dân. Điều này đã được quy định tại Điều 53 Hiến pháp 2013 và quy định cụ thể tại Điều 4 Luật Đất đai 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”.         Trong quá trình tham gia quan hệ pháp luật đất đai không phải lúc nào các chủ thể cũng có

Thủ tục hòa giải bắt buộc trước khi khởi kiện

Tranh chấp đất đai vốn là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Đây cũng là  một trong những loại tranh chấp phổ biến nhất hiện nay. Khi phát sinh tranh chấp, hòa giải là phương án giải quyết ban đầu nhằm hạn chế tối đa những mâu thuẫn. Việc hòa giải có thể do các bên tự thương lượng hoặc thông qua một bên trung gian thứ ba trước khi khởi kiện nếu buộc phải giải quyết tại một cơ quan tài phán trong một số trường hợp nhất định. Trong bài viết này, ThS - Luật sư Phan Mạnh Thăng sẽ chia sẻ cụ thể về vấn đề trên. Hòa giải tranh chấp đất đai Khái niệm và đặc điểm của hòa giải tranh chấp đất đai Khái niệm Hòa giải là một trong các phương pháp giải quyết trong tranh chấp đất đai. Theo đó bên thứ ba sẽ đóng vai trò là trung gian giúp đỡ các bên tìm ra giải pháp để giải quyết tranh chấp. Bằng cách thương lượng, thuyết phục cùng với thiện chí của các bên thì tranh chấp sẽ được giải quyết một cách ôn hòa. Đặc điểm         Hiện nay về hò

Lạm thu học phí đầu năm, cơ sở pháp lý nào để xử lý?

Lạm thu học phí đầu năm, cơ sở pháp lý nào để xử lý dành cho các bậc phụ huynh khi có dấu hiệu học phí đầu năm ngày càng tăng. Về các khoản học phí được phép thu đã được pháp luật quy định cụ thể. Trường hợp nhà trường thu học phí sai quy định pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi lạm thu học phí. Việc này thường xảy ra do các bậc cha mẹ không nắm rõ quy định. Sau đây, Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng xin cung cấp nội dung về vấn đề trên. Hành vi lạm thu học phí đầu năm Các khoản thu nào nhà trường không được phép thu?           Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT thì các khoản phụ phí đầu năm sẽ được thu qua Ban đại diện cha mẹ học sinh theo nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, trên thực tế các khoản phí này thường được Ban đại diện cha mẹ học sinh nhờ nhà trường thu hộ và được thu như phí bắt buộc.           Căn cứ khoản 4 Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định những khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép quyên góp là: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện Bảo vệ